Đây là sự kiện quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
I- VỊ TRÍ, VAI TRÒ, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA QUỐC HỘI
Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bầu cử đại
- Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc đại diện cho trí tuệ của nhân dân cả nước;
- Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước;
- Quốc hội chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.
2- Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; nhân dân là người chủ của quyền lực nhà nước. Quốc hội là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ có Quốc hội mới có quyền biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính bắt buộc, tính cưỡng chế nhà nước đối với các tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp đã quy định: Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước (như những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; những vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia…); thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
3- Chức năng lập pháp
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền thông qua Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; thông qua luật và sửa đổi luật. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, quy định các vấn đề quan trọng nhất về tổ chức nhà nước, chế độ chính trị, kinh tế và các quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân… Luật là văn bản có hiệu lực pháp lý cao sau Hiến pháp. Các văn bản quy phạm pháp luật khác do cơ quan nhà nước ban hành phải căn cứ vào Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội và không được trái với tinh thần, nội dung của Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.
4- Chức năng giám sát
Hiến pháp 2013 quy định: Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước. Theo đó Quốc hội giám sát việc tuân thủ theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Các cơ quan này chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chức năng giám sát của Quốc hội được thực hiện thông qua các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
5- Chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy định những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
Những vấn đề quan trọng của đất nước do Quốc hội quyết định gồm: các vấn đề về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; các vấn đề chiến tranh và hòa bình; các vấn đề về đối ngoại.
II - VỊ TRÍ, VAI TRÒ, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân dân và của công dân ở địa phương.
Hội đồng nhân dân có vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế (quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thu, chi ngân sách…); giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao; khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; dân tộc và tôn giáo; bảo đảm thi hành pháp luật; xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính…thông qua việc quyết định những quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm, các chủ trương và biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển ở từng địa phương.
1. Trong lĩnh vực kinh tế:
Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện những nhiệm vụ quyền hạn:
(1)- Quyết định quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai, phát triển ngành và quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn trong phạm vi quản lý; lĩnh vực đầu tư và quy mô vốn đầu tư theo phân cấp của Chính phủ;
(2)- Quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công ở địa phương và thông qua cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế ở địa phương; bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế theo quy định của Pháp luật;
(3)- Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
(4)- Quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
(5)- Quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân và mức huy động vốn theo quyết định của pháp luật;
(6)- Quyết định phương án quản lý, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực ở địa phương;
(7)- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Hội đồng nhân dân cấp huyện:
(1)- Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; chủ trương, biện pháp về xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình ở địa phương;
(2)- Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và biện pháp phát huy mọi tiền năng của các thành phần kinh tế ở địa phương, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế theo quy định của pháp luật;
(3)- Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
(4)- Quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi và biện pháp bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật;
(5)- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Hội đồng nhân dân xã, thị trấn:
(1)- Quyết định biện pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm; kế hoạch sử dụng lao động công ích hàng năm; biện pháp thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch chung;
(2)- Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
(3)- Quyết định biện pháp quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại nhằm phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương;
(4)- Quyết định biện pháp xây dựng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế hộ gia đình ở địa phương;
(5)- Quyết định biện pháp quản lý sử dụng và bảo vệ nguồn nước, các công trình thủy lợi theo phân cấp của cấp trên; biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, bảo vệ rừng, tu bổ và bảo vệ đê điều ở địa phương;
(6)- Quyết định biện pháp thực hiện xây dựng, tu sửa đường giao thông, cầu, cống trong xã và các cơ sở hạ tầng khác ở địa phương;
(7)- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
2. Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính:
Hội đồng nhân dân tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
(1)Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Trưởng ban và các thành viên khác của các ban của Hội đồng nhân dân, Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân cùng cấp; bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
(2)- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
(3)- Phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp theo hướng dẫn của Chính phủ;
(4)- Quyết định tổng biên chế sự nghiệp ở địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng ngân sách của địa phương; thông qua tổng biên chế hành chính của địa phương trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định;
(5)- Quyết định chính sách thu hút và một số chế độ khuyến khích đối với cán bộ, công chức trên địa bàn phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương; quyết định số lượng và mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ;
(6)- Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định; quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố, quảng trường, công trình công cộng ở địa phương theo quy định của pháp luật;
(7)- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện;
(8)- Giải tán hội đồng nhân dân cấp huyện trong trường hợp hội đồng nhân dân đó làm thiệt hai nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi thi hành;
(9)- Phê chuẩn nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp huyện về việc giải tán hội đồng nhân dân cấp xã.
Hội đồng nhân dân cấp huyện;
(1)- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Trưởng ban và các thành viên khác của các ban của Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
(2)- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
(3)- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết trái pháp luật của hội đồng nhân dân cấp xã;
(4)- Giải tán hội đồng nhân dân cấp xã trong trường hợp hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn trước khi thi hành;
(5)- Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điêu chỉnh địa giới hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định.
Hội đồng nhân dân xã, thị trấn:
(1)- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch và thành viên khác của Ủy ban nhân dân cùng cấp; bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
(2)- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
(3)- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp;
(4)- Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định.
III- NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN ĐƯỢC BỔ SUNG CHO PHÙ HỢP VỚI HIẾN PHÁP NĂM 2013 VÀ TÌNH HÌNH MỚI
1- Quy định quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây. Ngày bầu cử Quốc hội phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất trước 115 ngày thay vì 105 ngày như trước đây. Việc tăng thêm 10 ngày tạo điều kiện về thời gian để chuẩn bị và tiến hành các trình tự bầu cử được thuận lợi hơn, nhất là đảm bảo các bước trong quy trình hiệp thương được tốt hơn.
2- Quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đảm bảo có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
3- Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
4- Những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.
IV- TIÊU CHUẨN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021
1- Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XIV
Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).
Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
2- Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).
Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; ngườiđứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
V. VỀ NGUYÊN TẮC BẦU CỬ:
Được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
VI. TUỔI BẦU CỬ:
Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử (gọi tắt là cử tri).
VII. TUỔI ỨNG CỬ:
Công dân đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
VIII. ĐỐI VỚI CỬ TRI:
- Được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
- Được phát thẻ cử tri. Trừ các trường hợp sau: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
- Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại ra Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
- Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú, đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên của cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
IX. VỀ NGUYÊN TẮC BỎ PHIẾU:
- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
- Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
- Cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
X. VỀ PHIẾU KHÔNG HỢP LỆ:
- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;
- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;
- Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;
- Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
XI. THỜI GIAN BẦU CỬ:
Từ 7h00 đến 19h00 (Chủ nhật), ngày 22/5/2016.
(Tất cả công nhân viên chức – lao động của Bệnh viện có mặt tại địa điểm bỏ phiếu lúc 06h45 ngày 22/5/2016)
XII. ĐỊA ĐIỂM BỎ PHIẾU:
- Tại nơi công nhân viên chức – lao động của Bệnh viện đăng ký thường trú hoặc tạm trú.
XIII- KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1- Nhiệt liệt chào mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
2- Ngày 22.5.2016, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
3- Cử tri cả nước tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
4- Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân là quyền lợi của mỗi công dân!
5- Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là ngày hội của toàn dân!
6- Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
7- Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân!
8- Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
9- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
10- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
11- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Cn Lê Văn Ý
(Sưu tầm và biên soạn)Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn